image banner
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ TRÌ QUANG, GIAI ĐOẠN (1954 – 2023)
KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ TRÌ QUANG, GIAI ĐOẠN (1954 – 2023)

Một vùng đồi núi trùng điệp hoang sơ, nằm ở phía tây nam huyện Bảo Thắng, từ xa xưa, nơi đây là vùng đất sinh sống của đồng bào dân tộc Dao Tuyển, Dao Họ, Dao Đỏ và một số hộ dân tộc Nùng, Tày, Mường… Dân cư sinh sống quần tụ thành các làng với tên gọi: Làng Bông, Làng Bạc, Làng Gạo, Làng Chì, Làng Mạ, Làng Nhò… Có người già kể lại rằng do các làng này xưa kia trồng nhiều bông nên gọi là Làng Bông, làng có nhiều cây Hoa gạo gọi là Làng Gạo, làng sản xuất nhiều đồ dùng bằng chì, nhiều đồ dùng, trang sức bằng bạc… nên tên làng được gọi theo những sản phẩm chính của làng là Làng Chì, Làng Bạc…

Khoảng đầu năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Uỷ ban hành chính huyện Bảo Thắng, 4 làng gồm: Chì Quang, Chì Hạ, Làng Nhò và Làng Mạ thuộc xã Xuân Quang, được tách ra để thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới, lấy tên là xã Quang Trung (Theo báo cáo của Ty Công an Lào Cai thuộc Công an liên khu Việt Bắc gửi Bộ Công an, tháng 11/1955 thì xã có tên là Quang Trung) thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Quang Trung nằm giữa các dãy núi cao bao bọc, hình thành địa giới hành chính tự nhiên, phía Nam là xã Kim Sơn, phía Tây là xã Phố Lu, phía Bắc là xã Xuân Quang, phía Đông là xã Điện Quan, phía tây nam có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai giáp ven sông Hồng, đoạn qua địa phận xã dài 1,8 km. Với diện tích trên 3300 ha, trung tâm xã có dãy Tám Diều rộng chừng 310 ha, xung quanh là các dẫy núi cao, làm cho Quang Trung gần như tách biệt với các xã lân cận. Dân số khoảng 150 hộ, trên 400 nhân khẩu chủ yếu là người Dao Tuyển, Dao Họ, Dao Đỏ (trước đây gọi là Mán Tuyển, Mán Đỏ, Mán Họ). Các khe suối nhỏ bắt nguồn từ xã Xuân Quang, khu vực Làng Mạ và rải rác trong xã hợp lại thành 2 con suối lớn, một con gọi là suối Nhò, một con gọi là suối Chì chảy qua nhiều thôn, bản và đổ ra sông Hồng...... 

Huyện ủy Bảo Thắng đã ra quyết định thành lập Chi bộ xã Quang Trung từ ngày 10/4/1964. Năm 1966 xã đổi tên từ xã Quang Trung về tên gọi ban đầu là xã Chì Quang.

Một năm sau ngày thống nhất, ngày 25 tháng 4 năm 1976, cử tri cả nước đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc hội chung cả nước (QH khóa VI), trong kỳ họp đầu tiên (diễn ra từ ngày 24-6 đến 2-7-1976), Quốc hội khóa VI đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như thể chế nhà nước, tên nước được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc kỳ, quốc ca...Theo đó Ủy ban hành chính xã Chì Quang được đổi thành UBND xã Chì Quang và tên xã được đổi từ Chì Quang thành Trì Quang như ngày hôm nay.

Ngày 03-3-1982 Chi bộ Trì Quang đã có tờ trình với Ban Thường vụ huyện ủy Bảo Thắng về việc thành lập đảng bộ cơ sở. Ngày 12-8-1982, huyện ủy Bảo Thắng ban hành Quyết nghị về việc nâng Chi bộ cơ sở xã Trì Quang lên thành Đảng bộ cơ sở xã Trì Quang.

Trải qua 69 năm hình thành và phát triển với biết bao biến cố lịch sử đã sảy ra Trì Quang đã khoách trên mình một màu áo mới với niềm hy vọng tràn đầy vào một tương lai tươi sáng, cùng sánh vai với các xã trong huyện Bảo Thắng để cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Hiện nay xã Trì Quang có diện tích tự nhiên 3993,5 ha, dân số 1111 hộ, 4363 nhân khẩu, có 12 dân tộc anh em chung sống đoàn kết trên địa bàn của 10 thôn. Đời sống vận chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, kinh tế - xã hội có bước phát triển bền vững. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Trì Quang đang quyết tâm phấn đấu đưa xã Trì Quang về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.

(Trích trong cuốn sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Trì Quang 1954 – 2014”).

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1